Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh để đưa tàu cá, ngư dân khai thác thủy sản trái phép ở ngoài vùng biển Việt Nam
Đó là nội dung được quy định tại Điều 4 của Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP ngày 12/6/2024 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản. Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2024.

Theo đó, Điều 4 của Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP đã quy định cụ thể:

1. Người nào tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh để đưa tàu cá, ngư dân khai thác thủy sản trái phép ở ngoài vùng biển Việt Nam khi thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép quy định tại Điều 348 của Bộ luật Hình sự, nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm:

a) Không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định;

b) Làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh để khai thác thủy sản không đúng khu vực được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, chấp thuận hoặc giấy phép khai thác hết hạn.

2. Tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh để đưa tàu cá, ngư dân khai thác thủy sản trái phép ở ngoài vùng biển Việt Nam hướng dẫn tại khoản 1 Điều này là thực hiện một trong các hành vi bố trí, sắp xếp, điều hành con người, phương tiện để đưa tàu cá, ngư dân khai thác thủy sản trái phép ở ngoài vùng biển Việt Nam khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Chỉ huy, phân công, điều hành không làm thủ tục xuất cảnh theo quy định hoặc có làm thủ tục xuất cảnh nhưng sau khi xuất cảnh đã tẩy, xóa số đăng ký tàu cá hoặc viết số đăng ký tàu cá không đúng với thông tin do cơ quan có thẩm quyền cấp;

b) Chỉ huy, phân công, điều hành đưa tàu cá, ngư dân khai thác thủy sản trái phép ở ngoài vùng biển Việt Nam;

c) Chỉ huy, phân công, điều hành sử dụng tàu cá không quốc tịch hoặc mang quốc tịch của quốc gia không phải là thành viên của tổ chức nghề cá khu vực;

d) Chỉ huy, phân công, điều hành việc thay đổi, xóa bỏ nhật ký hành trình trên máy định vị vệ tinh;

đ) Chuẩn bị, cung cấp tàu cá; tạo các điều kiện vật chất, hậu cần như ứng tiền, lương thực, thực phẩm, cung cấp dụng cụ, ngư cụ đánh bắt thủy sản và các điều kiện khác cho ngư dân đi khai thác thủy sản trái phép ở ngoài vùng biển Việt Nam;

e) Tuyển ngư dân và đưa họ đi khai thác thủy sản trái phép ở ngoài vùng biển Việt Nam;

g) Thực hiện những công việc khác để đưa tàu cá và ngư dân khai thác thủy sản trái phép ở ngoài vùng biển Việt Nam.

3. Môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh để đưa tàu cá, ngư dân khai thác thủy sản trái phép ở ngoài vùng biển Việt Nam hướng dẫn tại khoản 1 Điều này là việc cá nhân làm trung gian để hỗ trợ, chuẩn bị thực hiện một hoặc nhiều hành vi hướng dẫn tại khoản 2 Điều này nhằm mục đích hưởng lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất.

4. Người nào tổ chức, môi giới cho người khác đưa tàu cá, ngư dân khai thác thủy sản ở ngoài vùng biển Việt Nam mà biết ngư dân sẽ trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép quy định tại Điều 349 của Bộ luật Hình sự, nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

5. Người nào chỉ đạo, sắp xếp, bố trí, điều hành ngư dân không làm thủ tục xuất cảnh theo quy định và thực hiện một hoặc nhiều hành vi khai thác thủy sản hướng dẫn tại các điểm a, b, c, d, đ, n và o khoản 1 Điều 2 Nghị quyết này thì ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép quy định tại Điều 348 còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản quy định tại Điều 242 hoặc tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm quy định tại Điều 244 của Bộ luật Hình sự, nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Khởi tố bị can Trần Văn Phong.

Liên quan đến hành vi tổ chức cho người khác xuất cảnh để khai thác thủy sản trái phép, vào ngày 13/9/2024, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sóc Trăng đã tống đạt Quyết định khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Trần Văn Phong (sinh năm 1968; cư trú tại thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) và tống đạt Quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Hồ Bảo Chung (sinh năm 1990; cư trú tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) về hành vi “Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép” theo quy định tại Điều 348 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017). Đây là vụ án Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sóc Trăng tiếp nhận từ Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 chuyển đến để điều tra theo thẩm quyền. Qua kết quả điều tra ban đầu xác định, Trần Văn Phong vì muốn thu được lợi nhuận cao hơn nên đã chỉ đạo Hồ Bảo Chung điều khiển tàu cá (do Phong làm chủ) đưa người xuất phát từ Cảng cá Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng đi sang vùng biển Malaysia để khai thác thủy sản trái phép. Hiện vụ án được Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sóc Trăng tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) được Ban Bí thư xác định là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trước hết là các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu ở ngành, địa phương có trách nhiệm trực tiếp đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự thống nhất, đồng bộ, quyết tâm cao thực hiện mục tiêu gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” trong năm 2024 và duy trì kết quả bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo; tăng cường quan hệ chính trị, ngoại giao, vị thế của Việt Nam với quốc tế. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và cộng đồng ngư dân ven biển, hải đảo về phát triển bền vững ngành thủy sản, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. 

Tuyên truyền Luật Thuỷ sản 2017 và ký cam kết không vi phạm khai thác IUU tại huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng.

Mới đây vào ngày 09/9/2024, Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Đề, UBND thị trấn Trần Đề đã tổ chức Hội nghị tuyên truyền Luật Thuỷ sản 2017 và ký cam kết không vi phạm khai thác IUU cho 150 đại biểu là chủ phương tiện, thuyền trưởng và ngư dân hoạt đồng bằng nghề khai thác, đánh bắt thủy hải sản tại thị trấn Trần Đề. Các đại biểu được thông tin về nội dung Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP; nội dung về xử phạt hành chính lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản quy định tại Nghị định số 38/2024/NĐ-CP, ngày 05/4/2024 của Chính phủ; Nghị định số 37-NĐ/CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 26/2019/NĐ-CP, ngày 08/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuỷ sản. Bên cạnh đó bà con ngư dân cũng đã được hướng dẫn viết và ký cam kết không vi phạm khai thác IUU, góp phần thực hiện mục tiêu gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản Việt Nam trong năm 2024.

D.H
THÔNG BÁO CÔNG AN TỈNH

TRUYỀN HÌNH VÌ AN NINH TỔ QUỐC
Ảnh 3
Ảnh 3
Ảnh 2
Ảnh 2
Ảnh 1
Ảnh 1
Thống kê truy cập
  • Đang online: 486
  • Hôm nay: 4135
  • Trong tuần: 21 125
  • Tất cả: 6456296

Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh Sóc Trăng

Chịu trách nhiệm nội dung: Đại tá Phạm Quốc Việt - Phó Giám đốc Công an tỉnh
Địa chỉ: 18 Hùng Vương - Phường 6 - TP Sóc Trăng.
Tel: 0693751238, Email: conganst@soctrang.gov.vn
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin Công an tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ website này